Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

HỌC CÁCH TỪ CHỐI KHÉO LÉO

Trả lời “không” trước yêu cầu, sự nhờ vả của ai đó luôn là một điều hết sức khó khăn, nhưng đôi khi đó lại là điều cần thiết. Vậy làm thế nào để nói “không” một cách khéo léo mà không làm mất lòng người khác?
*** Những ghi chú "vàng" cần nhớ
- Xem lại mức độ thân thiết giữa mình với người đó. Đồng thời chú ý đến sự ảnh hưởng của lời từ chối khi mình nói ra. Nếu không quá thân thiết và sự việc không quá cấp bách, nghiêm trọng thì bạn đừng ngần ngại sử dụng từ “không”.
- Đánh giá sơ bộ lời yêu cầu rồi tìm cách thỏa hiệp. Nếu có thể, bạn hãy bàn bạc với người kia để đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Điều này sẽ khiến cho người kia rất cảm kích vì họ nhận được sự cảm thông và chia sẻ khó khăn từ bạn.
- Nhìn nhận đúng khả năng của bản thân. Bạn không nên gật đầu đồng ý đối với một lời đề nghị vượt quá khả năng và tầm kiểm soát của mình. Nếu làm được thì không sao, nhưng khi không làm được thì bạn sẽ làm mất lòng tin của mọi người. Cố ra vẻ để thể hiện bản thân trong trường hợp này là không nên.
- Gặp mặt hoặc gọi điện trực tiếp để nói rõ lý do sẽ thể hiện được thành ý của bạn. Sẽ là thiếu tế nhị nếu như bạn từ chối bằng việc nhắn tin, gửi e-mail, nhờ người khác nhắn lại… Và khi trao đổi trực tiếp, bạn đừng tiết kiệm hai từ xin lỗi. Đó sẽ là lời từ chối “ngọt ngào” và người ta cũng không có lý gì để trách cứ bạn cả.
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện tính quyết đoán và bổ sung cho câu nói. Bạn không nên quá căng thẳng khi nói lời từ chối. Hãy bình tĩnh nhìn vào mắt người đối diện hai giây trước khi nói. Không nên chau mày hay lảng tránh nhìn đi phía khác, điều đó dễ khiến cho người khác cảm giác như bạn làm được nhưng không muốn nhận lời.
*** Tuyệt chiêu cho từng trường hợp cụ thể:
- Khi đối phương tỏ tình: Nói lời từ chối trong trường hợp này không hề đơn giản. Nếu không khéo léo, bạn sẽ gây tổn thương cho người khác. Một cách nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần cương quyết, ta có thể nói: “Anh rất tài giỏi và thông minh, em tin anh sẽ tìm được người con gái thích hợp”. Các chàng sẽ rút lui trong tư thế ngẩng cao đầu vì ít ra họ vẫn có hỉnh ảnh đẹp trong mắt người khác. Hoặc một câu nói khác như: “Tôi rất quý mến bạn nhưng đây không phải mối quan hệ tôi đang tìm kiếm ở bạn”. Còn mềm mỏng hơn chút nữa sẽ là: “Giá như chúng ta có thể yêu nhau”…
- Khi bạn bè hỏi vay tiền: Bạn đừng cố tỏ ra “cần là có”. Điều đó sẽ tạo thói quen cho người khác, vì khi cần tiền là người ta sẽ cứ tìm đến bạn để hỏi. Trong một số trường hợp nào đó, bạn cần phải biết nói “không”. Với những lời từ chối như: Sao bạn không hỏi mình sớm; Tiếc quá, mình mới sửa nhà nên dạo này cũng kẹt quá… thì người kia không thể trách bạn keo kiệt được. Trong trường hợp này thì ngôn ngữ cơ thể của bạn phải vận dụng tối đa và một cách tự nhiên nhất.
- Đồng nghiệp nhờ vả: Khi bạn đang bận rộn với công việc của mình hoặc tâm trí không tập trung để giúp đỡ người khác nên bạn buộc lòng phải từ chối. Để không bị đồng nghiệp cho rằng bạn ích kỉ, bạn có thể nói: “Hiện tại mình đang tập trung để hoàn thành dự án A sếp mới giao, có gì mình sẽ nhờ anh B giúp bạn nhé” hoặc bạn hẹn lại lần sau.
- Trong một số trường hợp khác như khi bạn bè rủ đi nhậu hay đi chơi, bạn không muốn đi thì có thể trả lời rằng: “Mình rất muốn nhưng hiện tại gia đình mình đang có công chuyện”. Còn khi có người mời tham gia làm chung một công việc nào đó thì bạn có thể hoãn binh bằng cách “để tôi suy nghĩ đã” hoặc trả lời luôn theo kiểu hài hước: “Tôi nghĩ chắc không được đâu. Tôi còn kém lắm, làm việc đó không khéo đổ bể hết”…
KL: Nói “không” là cả một nghệ thuật. Và dù thế nào thì bạn cũng không nên tự gò ép mình trước những việc mà mình không thích hoặc không biết. Biết nói “không” đúng lúc cũng là một sự tôn trọng người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét